Image Image Image Image Image Image Image Image Image Image

XANH magazine | March 29, 2024

Scroll to top

Top

22 Comments

Hẻm Sài Gòn

Hẻm Sài Gòn
Phan Hải

Những con hẻm vừa nhỏ vừa dơ vừa ồn, dây điện giăng đầy mà với anh chúng đẹp đến mê hồn…


Con hẻm – ở Sài Gòn đâu mà không có những con hẻm. Nói không có chắc chỉ những khu đô thị mới những năm sau này như Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm này nọ.

Có người nói “Những con hẻm ở Sài Gòn chắc chắn có hồn hơn những con đường lớn. Hẻm Sài Gòn dài và tương đối rộng, cởi mở bùng nhùng vô số ngách. Nó đậm đặc cái chất lam lũ nhiều hảo hớn bởi có đông dân lao động chiều chiều cởi trần ngồi nhậu trong các quán rượu cóc phảng phất Thủy Hử”. Có lẽ đúng. Cái “cởi mở bùng nhùng vô số ngách” ấy cũng là đặc trưng của các con hẻm Sài Gòn. Bước chân vào một con hẻm, rồi từ con hẻm đó lại đâm ngang ra một con hẻm khác, nhỏ hơn, ngoằn ngoèo hơn; rồi lại từ đó đi ra những con hẻm khác, luồn lách quanh co mà nhỏ xíu.

Từ “hẻm” trong cách nói của người Sài Gòn mang ý nghĩa là một ngõ, một đường có diện tích nhỏ trong khu dân cư cũng… nhỏ. Nói đơn giản là đường hẹp hẹp tức là hẻm.

Hỏi một đứa bạn mới quen, thằng chó nhà mày ở đâu. Nó chửi má má rồi mặt hất lên hỏi chớ mày biết đường X hông, mày chạy từ A tới B, thấy cái ngã ba, quẹo dzô hẻm nho nhỏ, thấy cái cột điện Y rồi bước tới ba bước đứng đó nhấn chuông xong người ta ra đập mày một hồi thì mày nhá máy tao ra. Hay người chị gọi đứa em giọng dịu dàng nhóc ơi nhóc ơi, cưng cầm hai ngàn chạy ra đầu hẻm mua cho chị cái nhẫn hột xoàn nha. Dzậy đó. Nói chung là cái từ “hẻm” nó thân thuộc với người dân Sài Gòn lắm.

Với anh, những con hẻm nho nhỏ ở Sài Gòn rất dễ nhận biết với những hàng quán nho nhỏ bán ngay… đầu hẻm. Hồi còn nhỏ, nhà anh ở ngay khu Đoàn Thị Điểm gần ngã tư Phú Nhuận. Nhớ khi đó, đi vào trong là những con hẻm song song đối diện nhau kéo dài cả đoạn đường, gọi là từng lô từng lô theo bảng chữ cái như: lô A, lô B, lô C,…. Đám con nít bọn anh thì chơi theo từng lô riêng với đủ trò chơi. Nói chuyện với nhau, không đứa nào nói “Mày chạy ra đầu lô, cuối lô…” mà nói “Mày đứng ở đầu hẻm…”, “Nhà tao ở cuối hẻm…” Các bậc phụ huynh ở nhà cũng vậy, ở cùng chung một xóm, chuyện nhà này nhà kia cũng biết, thế là có bàn tán thì cũng “Nhà bà A cuối hẻm, nhà bà B đầu hẻm…”. Cái từ “hẻm” đi vào anh như vậy đó. Nó còn đi một cách êm ái hơn là qua đường bao tử với những hàng quán thức ăn bán… “đủ thứ” nơi đầu hẻm thường vào buổi sáng và buổi tối.

Ảnh: DemiCat

Đã gọi là hẻm thì ưu tiên hàng đầu của nó phải là… nhỏ, có khi là nhỏ xíu luôn, nhỏ chỉ vừa cho một người một xe đi vào. Ưu tiên thứ hai là nhà cửa phải san sát nhau, nhà này núp bóng nhà kia, nhà kia “che chở” nhà này. Ưu tiên thứ ba cho xóm bụi đời thì thường là nó phải dơ. Ưu tiên tư cũng cho xóm bụi đời là nó phải ồn. Thường thì ở những khu dân cư mới, con hẻm không giống như “hồi xưa” vì sạch sẽ quá, rộng quá. Con hẻm chuẩn mực ở Sài Gòn phải là nơi mà sáng sáng mở cửa ra là đụng mặt nhau, trưa thì vắng lặng với nắng nóng, thi thoảng có tiếng rao hàng của người bán dạo vang lên từ đầu đến cuối hẻm, và chiều tối là bóng dáng của bọn con nít rủ nhau ra chơi trong xóm, và là cả… tiếng cãi nhau từ trong nhà này vẳng sang đến nhà kia để rồi cả xóm “bu” lại coi, người này một tiếng khuyên, người kia bàn tay cản…

Anh nhớ lắm những ngày còn trẻ chừng bảy tám tuổi, trong con hẻm nhỏ không dài hơn 40m với những hộ nhà đối mặt nhau, tiếng ồn ào của riêng từng nhà, từng nhà đã trở nên thân thuộc lắm, chẳng lạ lẫm gì. Ngày đó, bọn con nít trong xóm, hay bày trò mà chơi cùng nhau, những trò chơi như năm-mười, keng, rượt bắt, xìtóp,… và cả những bữa tiệc nho nhỏ vào dịp Trung Thu mà những anh chị lớn hơn lại từng nhà xin phép cho bọn nhóc nhỏ.

Anh nhớ lắm những buổi chiều chiều 3-4h trời nắng chang chang trốn nhà đi đá banh cùng đồng bọn. Những cái đầu trần, những tấm lưng nhễ nhại mồ hôi, chân đất chân không, tiếng chửi thề đụ má đụ mẹ ọ ẹ nghe còn hay hơn tiếng hát. Nhớ lắm lỡ chân đá trái banh vào nhà người ta là cả đám đùn đẩy nhau mày dzô xin đi, mày dzô xin đi… Thằng nào mang trái tim dũng cảm thì bước vào mà nghe người ta chửi. Nghe chửi miết mà thành quen.

Anh nhớ lắm những buổi tối thằng này thằng kia rủ nhau xách ná thun đi bắn thằn lằn. Dã man vậy mà dzui lắm. Bắn thằn lằn đã đời cả lũ tụm năm tụm ba rủ nhau đi… nhấn chuông. Bị dí bị chửi mà nhiều khi hạnh phúc dzô cùng. Bây giờ già rồi không còn tiếng nói trên giang hồ nữa, không dám đi nhấn chuông nhà ai. Buồn lắm.

Ồn ào này nọ vậy đó mà cũng có những buổi trưa hè yên ả lắm.Con hẻm những buổi trưa vậy mà yên tĩnh đến lạ lùng. Anh nhớ những bữa trưa ngồi trốn nắng ở dưới mái hiên một nhà nào đó, chờ chị gánh tàu hủ đi ngang là hiên ngang móc túi lấy tờ 500đ cũ kỹ rách teng beng dõng dạc nói chớ cho một chén đi. Rồi những ngày trời đổ mưa, thứ mưa Sài Gòn dằn dai ầm ĩ. Bọn trẻ con còn làm gì ngoài chuyện lột áo té ra ngoài mà đùa mà giỡn cho thỏa lòng ta cũng đội nắng cũng dầm mưa như ai. Lãng mạn một thời, anh nhớ mình cũng từng xếp nhưng chiếc thuyền giấy con con thả theo dòng nước. Dù rằng thuyền con trôi đi một hồi option một là xuống cống, option hai là bẹp dí ướt mem ở một góc nào đó.

Tụi anh, bọn nhóc ngày xưa đó đã lớn lên từ những tháng năm bụi bờ hẻm hóc như vậy đó. Tạt lon, tạt dép, đá banh, đá cầu, bắn bi, chọi thú,… cả một quãng thời gian dài chục năm tuổi thơ là gắn liền với những con hẻm trên khắp nẻo đường Sài Gòn.

Ảnh: DemiCat

Vào Sài Gòn, đi dạo trên đường phố Sài Gòn, sao để nhận ra được một con hẻm? Hãy nhìn vào một hoặc hai mé bên đầu hẻm, bạn sẽ thấy… một xe bánh mì hoặc nước mía. Xe bán bánh mì cũng như là một dấu hiệu nhận biết của con hẻm vậy với sự hiện diện gần như là nơi nào cũng có của nó nơi mỗi đầu hẻm trên đường phố Sài Gòn. Chiếc xe bán bánh mì nho nhỏ đó chẳng bao giờ nằm chỏng chơ giữa đoạn đường mà phải nằm đúng vị trí của nó là ngay trước đầu mỗi con hẻm, hay cuối con hẻm này và đầu con hẻm khác.

Con hẻm ở đất Sài Gòn có khi dài, hẹp, uốn cong nhiều đoạn với tiếng ồn ào, có khi lại yên ả giữa lúc buổi trưa với những gian nhà san sát, chẳng đâu giống đâu, nhưng dù là “con hẻm” của người Hoa, hay Kinh chắc chắn con hẻm ở Sài Gòn cũng mang dấu ấn đậm nét của một thời tứ xứ đổ về, giang hồ hảo hớn, bụi bờ bặm trợn,…

Những con hẻm ấy, cứ theo mật độ đô thị hóa của Sài Gòn, có lẽ sẽ dần dà mất đi. Nhưng, hình ảnh những con hẻm nhỏ vẫn còn đâu đấy trong lòng người dân Sài Gòn. Ở với những con hẻm, về và sống với những con hẻm nhỏ quanh co, chằn chịt như mạch máu của Sài Gòn ấy, như một người nói, là về với cái chân chất thật thà của chính con người Sài Gòn, về với cái tình cảm xóm giềng chảy trôi trong máu thịt của mỗi con người Việt Nam, thứ tình cảm xóm giềng mà dù đi bất kỳ nơi đâu trên thế giới này cũng không tìm thấy được. Ở đó là những sự nương tựa chung đụng sống cùng nhau, sống cùng cái tốt lẫn cái xấu của nhau. Vậy đó mà chân tình thắm đẫm, nhớ lại mà nước mắt tràn mi, nước miếng tràn môi. Xúc động bỏ mẹ.

Comments

comments

Nếu bạn thích bài này của Phan Hải thì ấn nhẹ nhàng vào đây nha.

Hoặc chia sẻ lên các kênh sau cho mọi người cùng đọc

Xanh cũng có mặt trên Facebook, bạn thích Xanh để cập nhật các thông tin mới nhất từ Xanh nha.

Comments

  1. Nhật Linh

    Năng Khiếu nằm trong hẻm, và là một cái hẻm.

  2. Lâu lâu cho em sến chút nha anh..

    Mấy con hẻm cũng có sức cuốn hút lạ với em.. Bất kể là đi đâu, hễ qua những con hẻm là em hay ngoái lại nhìn vào. Mọi thứ quay vòng vòng trong đầu em lúc đó tự nhiên dừng lại, cũng chỉ có vài giây thôi.. rồi đi tiếp.. Hẻm Sài gòn rất là biết cách gạt bỏ ồn ào hay sao ấy..!

  3. Văn hay!!!

  4. Sói UGuyz

    má, ngừi viết bài này chắc trạc tuổi mình, rất đúng, chính xác từng thứ 1 :D từ việc đá banh mặt dày gan góc vào xin lại, tới việc đi bấm chuông, ăn tàu hủ nc dừa, tới tất cả thảy những thứ trong bài, đều trải nghiệm wa, có điều hẻm bây h ko còn như vậy, trẻ con bây h vào wán net nhiều hơn, ko còn thấy những trò chơi dân dã như tạt lon, đập hình, chọi thú nữa :(

  5. Tác giả ko có trạc tuổi Sói đâu, mà là bằng tuổi ngố á! :D

  6. Sói UGuyz

    :D yes, còn thiếu 1 cái quán trọng còn thiếu là những quán điện tử xèng và những quán điện tử "đĩa vuông, đĩa tròn" là địa điểm tụ tập của tụi con nít vào ban đêm :D rất xôm , coi mấy anh lớn có tiền mua thẻ đánh boss mà lòng cứ nô nức đợi con boss chết để coi end game ra sao :D

  7. Phan Hải

    mấy cái đó nằm trong series 1990s sẽ kể sau :P

  8. Ka Bu

    Sáng thứ hai rất vui vì có gì pa

  9. ai chơi tạt lon hem ???

  10. Sói UGuyz

    Ka Bu là sao ba :v

  11. Sói UGuyz

    Ka Bu là sao ba :v

  12. Sói UGuyz

    Lâm Nhật Tân :v a ít chơi tạt lon vãi, hay chơi đập hình hơn

  13. Sid Loxy Doo

    Hẻm Sài Gòn nguy hiểm nhưng thú vị :3

  14. :)) e cũng thích mấy chỗ thế này

  15. Sói UGuyz bạn đó hỏi cái hình em chụp đầu tiên đó, ổng ngồi bán báo, thì sáng thứ hai rất vui vì có "gì đó" =))

  16. Phan Hải

    DiepAnh Vu Sẵn em đố luôn đi, cái tờ "gì đó" này rất nổi tiếng ở các sạp báo Sài Gòn mà :))

  17. Vẫn thích ảnh phong cảnh, đường phố của Mèo hơn :)

  18. chuc em luon gap nhieu thanh cong nhe Demicat thay hinh em chup rat dep do …

  19. Ngoc Pham

    hẻm nhỏ và nhiều kỉ niệm thiệt đó chớ! Tuy rằng có nhiều tệ nạn liên miên từ hẻm tối mà ra :/

  20. Sói UGuyz : game máy gặt ( hay quý tộc gọi là máy thẻ ) Samurai Shodown 2 … quá lâu rồi ko nhớ hồi đó gọi là gì …

  21. Sói UGuyz : game máy gặt ( hay quý tộc gọi là máy thẻ ) Samurai Shodown 2 … quá lâu rồi ko nhớ hồi đó gọi là gì …

  22. Nguyen Hang My Doan

    <Mình cũng thích hẻm, nhất là đi vô hẻm vào buổi trưa có nắng nhạt màu, hay buổi chiều nào có gió =w=…thấy sao sao trong người mấy lúc đấy…có cảm giác như đã từng thế này rồi. Còn mấy cái hẻm có nhà nuôi chim trồng dừa nữa. như dưới quê…>