Image Image Image Image Image Image Image Image Image Image

XANH magazine | April 25, 2024

Scroll to top

Top

No Comments

Tôi có quyền hủy hoại bản thân - Young Ha Kim

Tôi có quyền hủy hoại bản thân – Young Ha Kim
Sơn Phước

Vẫn khai thác nỗi cô đơn của con người nơi đô thị, song tác giả Young-Ha Kim lại lựa chọn những nhân vật có tính cách đặc biệt khác thường trong xã hội. Họ có thể xuất hiện một cách lặng lẽ không tên tuổi (cô gái Hồng Kông), hoặc được gán cho những cái tên rất đơn giản (C, K) nhưng đều là những mắt xích không thể thiếu trong Tôi có quyền hủy hoại bản thân, cuốn tiểu thuyết đầu tay của văn sĩ người Hàn Quốc, do Nhã Nam giữ bản quyền.

Trước hết cần kể đến phải là nhân vật “tôi”, cũng là người dẫn truyện xuyên suốt tác phẩm. Tác giả không nêu rõ tuổi tác, ngoại hình nhưng lại chú trọng miêu tả tính cách nhân vật là một người yêu nghệ thuật, thích nghiên cứu và hay đi đây đi đó. Ngay từ những trang đầu tiên ta có thể thấy cách anh ta ngắm nghía và phân tích từng nét đẹp trong bức tranh Cái chết của Marat hết sức say mê và tỉ mỉ, dù đó chỉ là bản sao trong một cuốn sách về nghệ thuật. Thậm chí, anh “đã thử chép lại bức tranh đó vài lần” (trang 7) và nắm rõ câu chuyện đằng sau như thế nào. Sau đó, ta lại bắt gặp anh ta vào thư viện để đọc sách lịch sử và cẩm nang du lịch. “Khi công việc kết thúc và nhận được tiền, tôi sẽ đi du lịch”, anh tuyên bố (trang 10).

toicoquyen-young-ha-kim2

Tính cách này hoàn toàn phù hợp với “công việc” mà anh ta đang đảm nhiệm. Hàng đêm anh ngồi trong phòng làm việc của mình để chờ những cú điện thoại từ các khách hàng. Anh lắng nghe câu chuyện của họ, những tâm tư tình cảm của họ để nhận xét, đánh giá, và đưa ra hướng giải quyết. Một người hành nghề tư vấn tâm lý như vậy cần phải có một lượng kiến thức đủ rộng để trò chuyện với nhiều thành phần khác nhau trong xã hội: “Tôi phải tìm ra đầu mối từ những giai điệu họ thích nghe, … những cuốn sách làm họ cảm động sâu sắc, và cả những họa sĩ họ yêu thích nữa” (trang 13). Nhưng thay vì động viên, an ủi như “những tư vấn viên tầm thường” khác, anh lại chọn một phong cách thẳng thắn khác lạ và có phần hơi cực đoan. Chẳng hạn như: “Bậc làm cha như thế thì giết quách đi có đáng hơn không?” (trang 17). Thậm chí, nếu đã quá bế tắc không còn con đường nào khác, anh hướng họ tìm đến cái chết và lựa chọn phương pháp chết nào phù hợp nhất.

Câu chuyện bắt đầu rõ ràng khi chuyển hướng sang một vị khách của “tôi” là Se Yoen, cô gái có gương mặt giống nữ anh hùng Judith trong bức tranh của Gustav Klimt. Cô gái kỳ lạ với sở thích mút kẹo Chupa Chups đã vô tình xen vào giữa cuộc đời hai anh em K và C rồi bỗng đột ngột biến mất khiến cho cả hai có những xung đột nội tâm sâu sắc.

Người em tên K có vẻ bất cần, bỏ học cấp ba giữa chừng, thà làm tình với bạn gái trong phòng còn hơn đi dự đám tang của mẹ. Thay vì đau buồn và rầu rĩ, anh thả hết cảm xúc của mình vào rượu chè, cờ bạc và cả tốc độ. Anh tôn thờ tốc độ, ngay cả ở khu vực trung tâm vẫn có thể phóng với vận tốc 130km/h mà không ngần ngại. Chính vì tính cách đó, nên K lao vào yêu nàng Judith (tức So Yeon) bằng tất cả đam mê tuổi trẻ. “Lần nào hắn đến tìm cô, cô cũng bảo hôm đó là sinh nhật cô, nên lần nào họ cũng uống rượu rồi ngủ với nhau” (trang 55). Nhưng ẩn sau con người bất cần đó, K vẫn là một chàng trai có nhiều tâm sự chẳng biết kể với ai, từ tật lệch mắt bẩm sinh cho đến bí mật với người anh trai C.

Có thể hói, C là một hình ảnh khác hẳn với cậu em: trầm tính, điềm tĩnh và không giỏi bộc lộ cảm xúc. C có ấn tượng với Judith từ cái nhìn đầu tiên nhưng chính cô lại là người phải tấn công anh. “Anh vẫn nhớ như in một thực tế rằng những thứ đẩy anh xuống địa ngục luôn là những thứ có khả năng cám dỗ anh” (trang132). Với suy nghĩ như vậy, bản năng của C luôn tạo cho mình một vỏ bọc trước tất cả mọi thứ. Bên ngoài, một mặt anh dường như vô cảm trước sự mất tích của Judith, mặt khác lại từ chối tiếp nhận những tình cảm mới, điển hình là cô nghệ sĩ tên Mimi. Khác với K, C luôn tìm cách chôn dấu tất cả cảm xúc vào thẳm sâu tâm hồn mình và không muốn chia sẻ với bất kỳ ai.

Chính việc xây dựng những nhân vật có tính cách đặc biệt như vậy đã tạo nên sức hút cho tác phẩm, đưa ta đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. C và K như hai bến đỗ mà Judith tự đặt mình vào giữa. Điều đáng buồn là hai anh em, một thiên về hướng nội và một thiên về hướng ngoại, lại không có ai hiểu rõ được về con người cô, ngay cả khi cô đã trao thân cho cả hai.

Sự biến mất của Judith cũng như những sự biến mất quen thuộc khác trong văn học (Biên niên ký chim vặn dây cótHãy chăm sóc mẹ, T mất tích, …), thay vì kết thúc tác phẩm lại đưa ta vào một khởi đầu mới. Từ đó, người đọc có cơ hội hiểu rõ hơn về nhân vật cũng như những bế tắc họ gặp phải. Nhất là khi những bế tắc đó lại hoàn toàn không khác thường, mà hết sức “đương đại” và dễ dàng gặp phải trong đời sống.

Bên cạnh đó, Tôi có quyền hủy hoại bản thân còn gây ấn tượng bởi một giọng văn lạnh, và Young-Ha Kim đã duy trì phong cách viết đó trong suốt gần hai trăm trang sách. Không khoa trương, hoa mỹ, cuốn tiểu thuyết ngắn này là một tác phẩm đầu tay đầy tiềm năng còn Young-Ha Kim xứng đáng là nhà văn mà chúng ta cần theo dõi.

Comments

comments

Nếu bạn thích bài này của Sơn Phước thì ấn nhẹ nhàng vào đây nha.

Hoặc chia sẻ lên các kênh sau cho mọi người cùng đọc

Xanh cũng có mặt trên Facebook, bạn thích Xanh để cập nhật các thông tin mới nhất từ Xanh nha.