Image Image Image Image Image Image Image Image Image Image

XANH magazine | April 26, 2024

Scroll to top

Top

No Comments

Chuyện Elizabeth Gilbert thành công thật quá hiển nhiên!

Chuyện Elizabeth Gilbert thành công thật quá hiển nhiên!
Xanh
  • On 06/11/2015
  • http://xanhmagazine.com

Tựa bài phỏng vấn gốc là “Elizabeth Gilbert không ngồi yên đợi thành công tìm đến”, nhưng Xanh quyết định đổi tên vì sau khi đọc xong bài, thấy phục cổ quá chừng. Ps: Cô Elizabeth Gilbert là tác giả quyển Ăn, Cầu nguyện, Yêu. À, cô ấy là một trong những người truyền cảm hứng cho bạn Writer để bạn ấy làm việc chăm chỉ hơn, tập trung hơn, bớt bánh bèo hơn.

Elizabeth Gilbert là tác giả thành công như một hiện tượng với cuốn sách Eat, Pray, Love (Ăn, Cầu nguyện, Yêu) – hồi ký của cô về một năm chu du khắp nơi để vượt qua nỗi buồn từ cuộc hôn nhân đổ vỡ. Tác phẩm này đã nằm trong danh sách “best seller” của tờ New York Times suốt ba năm liền và được chuyển thể thành phim với vai chính do Julia Roberts đảm nhận. Mặc dù nhiều người đánh giá Eat, Pray, Love như một loại thần dược chữa bách bệnh, đặc biệt cho những ai cần thêm động lực và nguồn cảm hứng để vượt qua những khó khăn về mặt cảm xúc; nhưng trong cuốn sách mới đây của mình mang tên Big Magic, Gilbert lại thiên về thể loại sách self-help, khi cô khuyên khích độc giả tìm ra cách để cuộc sống của mình trở nên sáng tạo nhất, để rồi từ đó đủ đầy và hạnh phúc nhất.

elizabeth-gilbert-

Ảnh: Timothy Greenfield-Sanders

Amy Odell (tác giả cuốn Tales From the Back Row: an Outsider’s View From Inside the Fashion Industry) đã có một cuộc trò chuyện với Gilbert về những ý tưởng sáng tạo nhất của cô, về những sai lầm cô mắc phải ở độ tuổi 20, và tại sao cô lại không sợ tuyên bố rằng một phần những thành công mà mình có được đơn thuần là do may mắn.

Amy Odell: Quá trình viết một cuốn sách thực sự rất căng thẳng. Nhiều tác giả (trong đó có tôi) bị ám ảnh bởi doanh số bán ra và thứ hạng trên Amazon. Chị đã viết bảy cuốn sách – chị có liên tục kiểm tra những con số đó để xem mình làm tốt đến đâu không?

Gilbert: Nói thật lòng thì tôi cố gắng để không làm thế. Không phải vì tôi đã tu thành chánh quả đến độ không quan tâm đến kết quả, mà vì tôi quá quan tâm đến nỗi phải ráng mà tránh xa nó. Nếu tôi là một người thực lòng không quan tâm đến những nhận xét, bình luận của bạn đọc hay thứ hạng sách của tôi trên Amazon, thì tôi có thể thản nhiên ngó qua các bài đánh giá, kiểm tra thứ hạng của mình trên Amazon và đọc các bình luận bên dưới những bài viết mà tôi đã xuất bản. John Updike từng nói việc đọc những gì người khác nói về bạn cũng giống như ăn một cái sandwich có khả năng lẫn vài mảnh kính vỡ vậy. Và ngày nay, câu nói của ông cũng đúng với việc ta tự nhìn mình trên Internet dưới bất kỳ hình thức nào. Mảnh kính vỡ đó có thể xuất hiện lúc chị không ngờ tới nhất. Tôi cố gắng không đọc những đánh giá tích cực về mình, vì thỉnh thoảng trong đó người viết vẫn kèm vào những lời đại loại như: “Trước đây tôi vẫn nghĩ cô này như dở hơi, nhưng giờ tôi lại đâm ra khá thích cô ấy chứ.” Thật khó mà không thấy tổn thương cho được. Không thể tránh được những mảnh kính này. Và tôi biết rằng chúng không tốt cho mình. Và rằng tôi khó mà sáng tạo được cái gì nữa nếu những lời đó cứ văng vẳng trong đầu. Bởi vì tôi rất nhạy cảm, và tôi không thể quên đi những gì mình đã thấy.

Amy Odell: Tiền đề cho cuốn sách mới của chị, Big Magic, là trong tất cả mọi người đều tiềm ẩn tinh thần sáng tạo, nhưng không phải ai cũng có thể khơi dậy nó. Từ đâu mà chị nghĩ ra ý tưởng này?

Gilbert: Từ những trải nghiệm sống của bản thân tôi và từ việc quan sát cuộc sống của bạn bè, người thân xung quanh. Chỉ cần nhìn vào sự khác biệt giữa những người chọn sống với tinh thần tò mò đầy sáng tạo và những người không chọn cách đó. Và nhìn vào sự khác biệt trong chất lượng của sự tồn tại của họ, về cơ bản là vậy. Và cả việc cuộc sống của họ rốt cuộc thú vị ra sao. Tuy nhiên “thú vị” không đồng nghĩa với “thành công”.

gallery-1445273310-big-magic-creative-living-beyond-fear-by-elizabeth-gilbert

Amy Odell: Chị tóm tắt sự khác biệt đó như thế nào?

Gilbert: Hiện tại tôi 46 tuổi, và khi nhìn lại những người tôi từng tiếp xúc khi tôi ở độ tuổi 20, họ có những điều mà đối với tôi lúc đó là cả một nguồn năng lượng vô hạn, những hứa hẹn vô hạn và những khả năng vô hạn. Thế nhưng, họ không làm gì với chúng cả. Lại có những người tôi khá coi thường và nghĩ rằng họ chẳng có gì đáng nói, để rồi cuối cùng tôi phải kinh ngạc với những gì họ sáng tạo ra. Với tôi, câu hỏi nhạt nhẽo nhất trên đời là “Ai có tài?”, và “Ai không có tài?”. Bởi vì tôi nhận ra rằng đó không phải là mấu chốt của vấn đề. Chúng ta sẽ không bao giờ biết được. Không có thước đo khách quan nào đánh giá được ai có tài, ai không. Ta chỉ có thể biết được điều đó bằng cách nhìn vào những gì họ làm, hay những gì họ kiến tạo cho cuộc sống của họ.

Tôi không biết mình có bao nhiêu phần trăm là tài năng thiên bẩm, nhưng tôi biết mình chăm chỉ hơn bất cứ người nào tôi biết.

Amy Odell: Tôi thường nói với những phụ nữ trẻ đang bắt đầu sự nghiệp rằng cứ làm việc chăm chỉ đi, bạn sẽ được trả công xứng đáng. Chị có đồng ý như vậy không? Đối với chị, thế nào là làm việc chăm chỉ?

Gilbert: Tôi đang bước trên con đường mình chọn và tôi đang làm việc chăm chỉ để quảng bá cho cuốn sách này. Đó là lý do tôi chấp nhận mọi lời mời phỏng vấn. Tôi đang làm cái việc mà một số người cho là đáng ghê tởm, đó là tự quảng cáo bản thân, nhưng tôi chưa bao giờ ngại làm như vậy vì tôi muốn mọi người nhìn thấy những gì tôi đã làm được. Vì vậy, tôi không định ngồi yên một chỗ chờ người khác tự phát hiện ra mình, vì ai cũng bận rộn cả. Nhưng như vậy vẫn chưa là gì so với khi tôi ở độ tuổi 20, lúc ấy ban ngày tôi làm ba công việc cùng lúc mà vẫn dành được thời gian để viết sách đấy.

Amy Odell: Những  công việc đó là gì?

Gilbert: Tôi làm nhân viên pha chế, bồi bàn, đồng thời làm nhân viên tại một hiệu sách. Tôi viết hai cuốn sách đầu tiên trong lúc đang làm ba công việc khác. Đôi khi tôi nghe mọi người bảo: “Tôi muốn làm cái này cái nọ lắm, chỉ là tôi không đủ thời gian!” Hoặc “Ôi, tôi đang đi làm và sẽ phải bỏ việc để viết sách”. Còn tôi thì nghĩ, bạn chẳng bao giờ phải bỏ cái việc đang làm để viết sách cả.

Amy Odell: Tôi đồng ý. Tôi đã viết quyển sách đầu tiên khi đang làm cho Cosmopolitan.com đấy.

Gilbert: Chị phải từ bỏ hàng đống thứ khác, chẳng hạn như thói quen lang thang ngoài đường lúc 2 giờ sáng. Nhưng cái suy nghĩ rằng “Mình có trách nhiệm với công việc này,” và rằng “Mình sẽ trở thành” – tôi nhớ đây là cam kết quan trọng nhất của mình trong những năm hai mươi tuổi –  “Mình sẽ là người bảo trợ của chính mình. Mình sẽ là cha nuôi của chính mình. Mình sẽ tự trở thành một nhà văn nổi tiếng. Mình có thể vừa tự chăm sóc bản thân vừa chăm sóc tác phẩm mình đang viết.” Đó mới là kiểu chăm chỉ mà tôi đang muốn nói đến. Bởi vì một khi bạn đã thành người sáng tác chuyên nghiệp và thưc sự kiếm được tiền từ đó, thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn nhiều. Phần quan trọng nhất chính là, bạn đang làm được gì trước khi có ai đó muốn trả tiền cho bạn vì cái mà bạn đang làm đó? Đó chính là điểm mấu chốt của vấn đề.

Tôi cũng từng đi xin việc ở nhiều nơi, xin làm phóng viên ở nhiều tòa soạn và gửi bản đề xuất ý tưởng hoàn chỉnh. Vì vậy, thay vì đến chỗ nhà tuyển dụng và nói “Tôi thích làm việc ở đây” thì tôi trình bày “Tôi có bốn ý tưởng thế này. Tôi có thể hoàn thành chúng trong bốn tháng. Tôi cần bao nhiêu đây tiền để mua một vé máy bay đến Texas. Tôi cần một tuần để làm việc này; bốn tuần để làm việc này”. Tôi luôn hiểu như thế này, đặc biệt là trong giới báo chí, rằng mọi người đều cực kỳ bận bịu, nên nếu bạn có thể trình bày với một biên tập viên một tình huống nào đó mà tất cả những gì họ phải làm là gật đầu vì bạn đã tìm ra giải pháp xong xuôi rồi thì họ sẽ vô cùng biết ơn. Người ta sẽ rất biết ơn bạn khi bạn giúp cho cuộc sống của họ dễ dàng hơn bằng cách tự làm mọi việc.

Đó chính là kiểu làm việc chăm chỉ mà tôi muốn đề cập. Tôi quan sát thấy đa số mọi người không làm thế. Và nhiều người cứ chờ đợi điều kỳ diệu nào đó sẽ đến với họ, chờ ai đó phát hiện ra mình, chờ cơ hội đến một cách hiển nhiên giúp họ làm những gì họ muốn. Mà cuộc đời thì không như vậy.

Amy Odell: Thành công của chị là một hiện tượng lớn. Chị nghĩ điều gì tạo nên thành công đó?

Gilbert: Đây cũng là điều tôi nói trong quyển Big Magic. Có ba yếu tố để trở nên thành công trong lĩnh vực sáng tạo: Tài năng. Làm việc chăm chỉ. Và may mắn. Tôi không đánh giá thấp bất cứ yếu tố nào trong số chúng. Yếu tố duy nhất mà tôi phải chịu mình có trách nhiệm chính là làm việc chăm chỉ, và đó chính là lý do vì sao tôi liên tục nhấn mạnh vào nó, vì tôi không thể kiểm soát được sự may mắn và tài năng của mình.

Tôi thấy nhiều người hay chối bỏ may mắn vì nó phủ nhận công sức của họ hoặc khiến họ cảm thấy… như kiểu, không ai muốn nghe người khác nói mình thành công là nhờ may mắn. Không ai muốn nghe điều đó vì họ thích nghĩ rằng họ thành công vì họ thực sự giỏi trong việc họ đang làm. Nhưng có nhiều người rất giỏi trong việc họ làm nhưng lại không được thần may mắn ghé thăm. Vậy nên tôi không nghĩ là bạn có thể chối bỏ tầm quan trọng của yếu tố may mắn.

Amy Odell: Có nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ có xu hướng quy thành công của mình cho may mắn nhiều hơn đàn ông. Đàn ông thường nói “Tôi giỏi vì tôi có tài và tôi giỏi trong lĩnh vực của mình ”. Không biết là trong suốt sự nghiệp của chị, chị có thấy như thế không, và chị có nghĩ rằng thật nguy hiểm khi phụ nữ nghĩ như vậy không?

Gilbert: Không, tôi nghĩ đàn ông không nghĩ vậy mới là kiêu ngạo, một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự kiêu mà. Tôi nghĩ nguy hiểm là khi một người phụ nữ nói “Tôi cũng không biết vì sao tôi làm được vậy nữa”, như thể cô ta không có chút cố gắng nào, không có khái niệm gì về việc mình sẽ làm được gì. Phải có một giới hạn cho việc nghĩ rằng mình rất may mắn. Tôi nghĩ đó là bạn không bao giờ muốn thất bại. Nếu bạn trở thành một người không có khái niệm gì về điều đó thì thật tệ hại. Về phần mình, tôi không chỉ may mắn vì sách tôi viết được xuất bản, mà còn may mắn vì được sinh ra trong một gia đình cho tôi cơ hội đến trường. Tôi may mắn khi được sinh ra tại một quốc gia tại thời điểm tôi có thể kiểm soát vấn đề sinh sản của mình. Chị hiểu ý tôi chứ? Tôi may mắn theo hàng triệu cách. Gạt bỏ sự may mắn cũng giống như việc trở thành một nhân vật của Ayn Rand đang tưởng tượng rằng mình làm chủ số phận của mình vậy. Thực ra, số phận của tất cả chúng ta đều là ngẫu nhiên và có liên hệ với nhau. Thế nên tôi không thấy có gì là nguy hiểm cả, trừ phi cô ấy nói “Tôi chỉ nhờ may mắn thôi”. Sharon Stone từng nói “You can only fuck the way to the middle” (đại ý: nếu muốn thành công thực sự, bạn không chỉ dùng thủ đoạn mà thôi). Tôi xin phép thay đổi một chút: “You can only luck your way to the middle” (đại ý: nếu muốn thành công thực sự, bạn không chỉ dựa vào may mắn được). Để hoàn thành việc gì đó, ta phải có một thứ gì đó khác nữa. Ta phải có kỷ luật và sự kiên cường. Ta phải có bản chất tử tế và hàng tá thứ nữa. Nhưng không bao giờ được quên rằng mình may mắn đến thế nào.

Amy Odell: Trong sách, chị viết về việc tìm kiếm ý tưởng và cách chị chọn lựa ý tưởng để theo đuổi, vì chúng ta không thể theo đuổi tất cả những ý tưởng của mình. Chị nghĩ ý tưởng tuyệt vời nhất mình từng nghĩ ra là gì?

Gilbert: Ồ, ý tưởng tuyệt vời nhất tôi từng nghĩ ra chính là đi du lịch trong năm đó để rồi viết quyển Eat, Pray, Love. Chắc chắn là như vậy. Rõ ràng kết quả của ý tưởng đó quá tuyệt vời, nhưng lúc đó tôi cảm thấy mình đang cực kỳ mạo hiểm. Tôi không thấy gì ngoài rủi ro. Giờ nhìn lại, tôi thấy mình như đang chơi trò may rủi. Tôi bỏ ngang một công việc hết sức tuyệt vời. Tôi là cây bút theo hợp đồng của GQ và có vị trí thực sự tốt. Tôi từ bỏ tất cả mọi thứ mình đang có và dấn thân vào một thể loại mà tôi chưa từng viết trước đó, việc này cũng là một rủi ro vì lúc đó tôi đã gầy dựng được tiếng tăm như một phụ nữ chuyên viết về đàn ông hoặc viết một cách đầy nhiệt huyết về đàn ông hoặc viết cho đàn ông đọc. Cuốn sách cuối cùng mà tôi viết tính cho đến lúc đó là The Last American Man. Nó nói về sự nam tính. Cuốn đấy khá là thất bại và tôi không được mấy người biết đến. Nhưng nếu tôi nổi tiếng thì sẽ theo kiểu Liz, “The Guy’s Girl”. Thế nên với tôi, việc từ bỏ tất cả những thứ đó và viết một cái gì đó thật nhiều cảm xúc về hành trình của một phụ nữ, thật gần gũi và trần trụi… nó giống như kiểu vứt luôn danh tiếng của mình vậy. Tôi đã nghĩ: Những ai trước đây thích đọc Elizabeth Gilbert hẳn sẽ ghét cuốn này.

Ảnh trong bộ phim cùng tên chuyển thể từ tiểu thuyết Ăn, Cầu Nguyện, Yêu.

Ảnh trong bộ phim cùng tên chuyển thể từ tiểu thuyết Ăn, Cầu Nguyện, Yêu.

Amy Odell: Chị đã xoay sở thế nào với cú mạo hiểm nhường ấy?

Gilbert: Tôi sẽ nói là nếu bạn yêu công việc mình đang làm, yêu cuộc sống của bạn, yêu cuộc hôn nhân của bạn, yêu tổ ấm của bạn thì đừng làm như tôi. Tôi làm vậy là vì những thứ khác chẳng có gì tốt đẹp. Tôi ước mình có thể nói rằng đó chỉ là cú hụt chân, hay một cơn bốc đồng thú vị. Thực sự thì nó giống như kiểu “Cho tôi ra khỏi đây mau!”. Tôi luôn nói khi con đường an toàn không còn an toàn nữa, thì bạn phải đi con đường mạo hiểm, và khi con đường an toàn không còn an toàn là khi nó bắt đầu khiến bạn thất vọng và không hạnh phúc. Trong đó không có sự an toàn, bạn hiểu chứ?

Amy Odell: Gần đây có ý tưởng nào khiến chị phải dập tắt hay nghi ngờ không?

Gilbert: Tôi sẽ không gọi là “dập tắt”, nhưng điều mà tôi đang xem xét hay suy nghĩ tới là tôi thực sự tò mò muốn tìm hiểu quá trình viết lách cho các kênh truyền hình. Tôi thực sự bị thu hút bởi ý tưởng về căn phòng của người viết và cảm giác sẽ thế nào khi ta không viết ở trạng thái cô lập mà ngược lại, hợp tác với những người khác. Tôi không biết có thế giới nào cho tôi ở đó không. Tôi rất tò mò về nó và cũng hiểu mình đủ rõ để đi đến quyết định dấn thân vào và tìm câu trả lời. Tôi không biết, tôi cảm thấy như kiểu đi thực tập đâu đó thôi. Xuất hiện và hỏi ai đó, “Các bạn có phiền không nếu tôi đi tham quan một vòng xem nó hoạt động thế nào?”.

Amy Odell: Chị có ý tưởng gì cho một chương trình cụ thể nào đó không? Chị có định sản xuất một chương trình dựa trên thứ gì đó chị đã viết không?

Gilbert: Tôi chỉ muốn đi xem chương trình của người khác thôi! Vì tôi hoàn toàn không biết nó hoạt động như thế nào. Tôi cảm thấy mình chỉ muốn gia nhập khi mọi thứ đã đi vào khuôn khổ. Tôi cũng bị nó thu hút nữa, vì tất nhiên đây là thời hoàng kim của những kịch bản truyền hình được viết một cách xuất sắc và tôi bị ấn tượng với những gì xảy ra ngoài sân khấu tới mức một phần trong tôi muốn nhảy ra sân chơi cùng bọn đứa trẻ. “Trông mấy đứa nhóc chơi với hộp cát vui thật, cô cũng muốn chơi!”

Amy Odell: Chị có lời khuyên nào dành cho Gilbert độ tuổi 20 không?

Gilbert: Cảnh giác với những mơ mộng rối bời của bản thân và suy nghĩ xem nó sẽ làm bạn đi chệch hướng đến đâu trên con đường trở thành người mà bạn cần trở thành. Tôi đã phải cau mày khi nhìn lại tất cả thời gian và năng lượng mà tôi dành cho đám đàn ông con trai suốt những năm đó, và tôi chỉ ước sao mình lấy lại được toàn bộ chỗ thời gian đó để chăm sóc sức khỏe của mình. Tất nhiên tôi biết mình cũng cần những kinh nghiệm đó để trở thành người mà tôi đã trở thành. Tôi chỉ thấy thật phí phạm thời gian và có quá nhiều điều đáng nhẽ ra tôi phải làm. Dù sao thì tôi đã làm nhiều thứ nhưng Chúa ơi, tôi ước mình đã nói “Mình sẽ học tiếng Pháp” thay vì chỉ ngồi lì trên ghế xem Robocop đến tám lần với gã công tử bột đó.

Amy Odell: Nhiều phụ nữ không nhận ra mình cũng đang như vậy cho đến khi họ thoát khỏi nó. Chị có nghĩ là có cách nào đó để nhận ra mình đang như vậy không?

Gilbert: Sẽ không thể nào một Elizabeth Gilbert  21 tuổi có đủ khôn ngoan để nhận ra điều đó, đúng không? Nhưng nếu tôi nhận thức về bản thân đủ rõ để nhận ra rằng, thật ra vấn đề lớn nhất của tôi chính là tôi không chịu được việc phải ở một mình, thì tôi đã không cần phải ở cạnh ai đó làm gì. Không nhất thiết phải lừa dối nhau thì một mối quan hệ mới dẫn đến đổ vỡ. Một lần nữa, có những anh chàng không tệ nhưng tôi chọn họ không hẳn là vì tôi thích thú với việc chúng tôi sẽ trở thành cái gì cùng nhau. Tôi chọn họ vì tôi không thể chọn được việc chỉ có một mình và tôi sợ không có bờ vai ấm áp nào bên cạnh.

Amy Odell: Chị muốn để lại điều gì trong tâm trí mọi người?

Gilbert: Đó là việc tôi đã cư xử rộng lượng. Đó chính là điều quan trọng nhất đối với tôi, vì tôi nghĩ những người tôi yêu mến và ngưỡng mộ cũng đều là những người rộng lượng. Điều này có thể gắn liền với việc tôi là một nhà văn, mà cũng có thể không, đó chỉ là một cách, một dạng tinh thần sống. Chị biết đấy, chị không có trách nhiệm với những gì người khác nói về chị, nhưng chắc chắn tôi sẽ thích nghe người ta nói, “Cô ấy quả là một người rộng lượng”.

Biên dịch và hình ảnh từ: cosmopolitan

Thực hiện: Thảo Quyên

Biên tập: Hồng Vân

Comments

comments

Nếu bạn thích bài này của Xanh thì ấn nhẹ nhàng vào đây nha.

Hoặc chia sẻ lên các kênh sau cho mọi người cùng đọc

Xanh cũng có mặt trên Facebook, bạn thích Xanh để cập nhật các thông tin mới nhất từ Xanh nha.