Image Image Image Image Image Image Image Image Image Image

XANH magazine | April 26, 2024

Scroll to top

Top

No Comments

Tết của người già, tết của người trẻ

Tết của người già, tết của người trẻ
Xanh
  • On 16/02/2015
  • http://xanhmagazine.com

Chỉ còn vài mươi tiếng nữa là Tết, một cái tết với kỳ nghỉ dài hơn mọi năm. Háo hức có, chờ đợi có, lo lắng cũng có. Đó là tâm trạng chung và trộn lẫn vào nhau của nhiều người, của những người già và những người trẻ.


Tết ngày xưa

Tết quan trọng không phải chỉ vì đây là thời khắc kết thúc năm cũ, đón chào năm mới, không phải chỉ vì nó chất chứa rất nhiều hy vọng và vận may mà còn bởi vì Tết trong ký ức của người Việt từ thuở nhỏ đến khi khôn lớn bon chen là dịp để những người thân yêu tề tựu bên nhau.

Tề tựu bên nhau để trao đi những lời thăm hỏi, những tiếng cười, san sẻ cho nhau những gì còn chưa nói được trong một năm rất dài. Để ngồi quây quần bên nhau trong những bữa cơm chỉn chu, ngon lành với thịt kho, bánh chưng, bánh tét, giò thủ, với bánh mứt, với dưa hấu,… Người Việt dù giàu dù nghèo, dù ở đâu, thì ăn Tết cũng phải tinh tươm. Bởi vì đó là Tết, là cái không khí háo hức chờ mong được “ăn Tết” của người Việt. Tết Việt ngon trong từng món ăn đậm đà hồn Việt, ngon cả trong ký ức của mỗi người.

Với những người đã già, cái Tết đã rục rịch bắt đầu từ dăm ba tháng trước trong một bữa cơm, trong một bữa trà chiều, với tiếng nhắc lửng lơ “sắp Tết rồi”, với những cuộc gọi điện hỏi bâng quơ cho đứa con xa nhà “Tết này về sớm không con?”,… Rồi người già khi thì chăm gốc mai, khi thì ngắm nghía hũ rượu thuốc đang ngâm, khi thì xé đi tờ lịch cũ nhẩm đếm lại thêm một ngày nữa qua đi.

Họ đã đi qua già nửa cuộc đời, với những thời điểm khó khăn nhất, những thời điểm mà cả năm vất vả, mọi thứ không phải lúc nào cũng có được dư dả đủ đầy. Những thời điểm đó, “ăn Tết” như là một sự kiện trọng đại của năm, là những ngày nghỉ ngơi hạnh phúc, được cho phép tự do tiêu xài, được ăn những món ăn ngày thường muốn ăn cũng cần phải suy nghĩ đắn đo. Bộ quần áo, đôi dép mới cho con trong những ngày cận tết là món quà chất chứa biết bao nhiêu tình yêu và hy vọng.

Vì vậy mà Tết mới quý và ví von điều gì về hạnh phúc thì người ta đều nói là “vui như Tết”.

Và Tết của bây giờ

Cuộc sống hiện đại hơn kéo theo nhiều thay đổi. Tết bây giờ cũng khác Tết xưa.

Với người già, những hy vọng và niềm vui ngày Tết đó giờ đã thành những ký ức đẹp đẽ dù cũ kỹ. Họ chẳng cần gì nhiều ngoài những tiếng cười reo con trẻ nơi đầu ngõ ngày ba mươi. Tết bây giờ của họ là chờ đợi để nhìn thấy tương lai nhiều năm trước ở ngay trước mắt. Tết là dành cho con, cho cháu.

Với người trẻ, trong ký ức nào đó, có một bọn nhóc hồi hai mươi, ba mươi năm trước ngày hai ba tháng Chạp chạy loanh quanh bên mâm cỗ tiễn ông Táo về trời, cũng bon chen ngồi cạnh ba má canh nồi bánh chưng, bánh tét rồi ngủ gục bên cái mùi khói của củi than quyến luyến. Bọn nhóc đó gãi đầu bối rối khi chúc Tết ông bà, cô chú, nhận phong bao lì xì rồi bối rối cám ơn. Được mặc quần áo mới, ăn những món ăn ngày thường không phải lúc nào cũng được ăn, được đi chợ hoa, được đưa đi chơi nhà này nhà nọ, chỗ đó chỗ kia, bọn nhóc đó thấy ngày Tết vui biết bao nhiêu.

Lớn lên với lo toan nhiều hơn, thấy Tết bớt vui bấy nhiêu. Bớt vui, bớt háo hức vì những năm tháng sau này mọi thứ đủ đầy, “người trẻ” có thêm nhiều lựa chọn. Cái háo hức chờ “ăn Tết” không còn nữa. Món ngon ăn được mỗi ngày, giao tiếp cũng không có gì khó khăn cách trở với điện thoại và internet.

Tết bây giờ với người trẻ chỉ là những ngày nghỉ dài, để có cho riêng mình một quãng thời gian riêng để ngừng lại sau một năm tất bật. Người trẻ “ăn Tết” đơn giản hơn, để “nghỉ Tết” nhiều hơn, “chơi Tết” nhiều hơn.

Đơn giản hơn với những nghi thức, chuẩn bị, bỏ bớt đi những tập tục rườm rà. Những ngày cận Tết, người trẻ vẫn phải ở công ty tám, mười tiếng một ngày để giải quyết cho xong những công việc còn đọng lại của năm cũ. Thời gian không đủ, những hoa mai, hoa đào, bánh chưng, bánh tét,… đã có các công ty dịch vụ lo sẵn. Người trẻ đơn giản hơn để có nhiều thời gian hơn và dùng thời gian đó tốt hơn.

Sẽ có những buổi chiều sau giờ làm, “người trẻ” ghé qua siêu thị, cẩn thận chọn mua những món quà để về nhà biếu Tết cho ba mẹ. Sẽ là chai rượu hay gói trà cho ba, sẽ là vài thứ gia vị hay bánh mứt ở nhà không có cho mẹ. Sẽ có nhiều thời gian hơn để thảnh thơi một chút, dành cho mình một chút không gian để đứng lại và ngồi xuống bình yên bên cạnh người thân.

Tết của “người trẻ” bây giờ khác đi không phải vì không còn giá trị truyền thống mà bởi vị nhiều thứ đã khác xưa. “Người trẻ” có nhiều lựa chọn hơn để chia sẻ, để nghỉ ngơi, để giữ riêng cho mình những khoảnh khắc tươi đẹp. “Người trẻ” sẽ về nhà để từ đó bắt đầu những chuyến đi xa, khởi đầu một năm mới với nhiều hy vọng.

Và quan trọng nhất, “người trẻ” bây giờ cũng đã có một bọn nhóc giống hệt mình hai, ba mươi năm trước. Bọn nhóc đó với những háo hức, ngây ngô về ngày Tết cũng mới.

Tết là cơ hội để “người trẻ” ngồi xuống cạnh “người già” và bọn trẻ nhỏ để sẻ chia nhiều thứ nhiều hơn cả những tiếng cười. Để ăn một mâm cơm đoàn viên hạnh phúc, níu giữ những ký ức, trao gửi lại những ký ức đó cho bọn nhóc con mình và đưa chúng đi xa.

Bởi vì bọn nhóc đó cũng chính là hy vọng. Hy vọng của cả người già lẫn người trẻ.


Ảnh của Bánh Ngọt / Chữ của Phan Hải / Writer là đứa xúi giục đăng cái này lên.

Comments

comments

Nếu bạn thích bài này của Xanh thì ấn nhẹ nhàng vào đây nha.

Hoặc chia sẻ lên các kênh sau cho mọi người cùng đọc

Xanh cũng có mặt trên Facebook, bạn thích Xanh để cập nhật các thông tin mới nhất từ Xanh nha.